Sự Kiện Hội Thảo Khoa Học: Kiến Trúc Phong Thủy Thời Phong Kiến



Vào ngày 16/9/2024 lúc 7:30 Phong Thủy Đại Nam đã có buổi livestream chia sẻ những kiến thức độc đáo và đặc biệt về phong thủy qua các triều đại phong kiến. Cùng Phong Thủy Đại Nam điểm qua các nội dung nổi bật.

 

Hội Thảo: Diễn trình Lịch sử Văn hóa - Kiến trúc - Phong thủy - Mỹ thuật các Triều đại Phong kiến Việt Nam

Hội Thảo: Diễn trình Lịch sử Văn hóa – Kiến trúc – Phong thủy – Mỹ thuật các Triều đại Phong kiến Việt Nam

 

Phiên thứ nhất: Triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê: Diễn trình lịch sử Văn hóa – Kiến trúc – Phong thủy – Mỹ thuật

Giai đoạn Ngô – Đinh – Tiền Lê: Diễn trình lịch sử Văn hóa – Kiến trúc – Phong thủy – Mỹ thuật )

Người trình bày: ThS. Kim Thanh Sản

 

Hệ tư tưởng tôn giáo: Phật – Đạo cùng song hành

 

Tín ngưỡng: Tục thờ đa thần

 

  •  Thờ các thần tự nhiên: thần đá, thần cây, thần sông nước, nhiên thần…
  • Tín ngưỡng thờ Thành hoàng, tiếp nhận từ phía Trung Quốc, bảo vệ thành quách, vị thần đầu tiên là thần sông Tô Lịch
  • Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc có từ sớm gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phù Đổng, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng…
  • Tín ngưỡng thờ Hùng Vương thời kỳ này đã có nhưng mang tính chất địa phương ở vùng Phú Thọ

Danh nhân: Nước ta xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, thời kỳ nhà Ngô có thể kể tới Ngô Quyền; thời Đinh, có Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng), Lã Lang Đại Vương, Lưu Cơ, Phạm Bạch Hổ,…; nhà Tiền Lê có Lê Đại Hành (Lê Hoàn), Pháp Thuận,…

 

Văn hoá Dòng họ: Thời kỳ Bắc thuộc, nước ta đã xuất hiện nhiều tên họ. Sang thời Ngô, Đinh, Tiền Lê có 1 số dòng họ lớn mạnh. Thời Ngô có: họ Dương, họ Lê ở châu Ái (Thanh Hoá ngày nay); họ Đinh ở Trường Châu (Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay); họ Hồ ở Quỳnh Lưu (Nghệ An ngày nay); Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình ngày nay); họ Kiều ở Châu Phong (Vĩnh Phúc ngày nay); họ Vũ ở Mộ Trạch (Bình Giang, Hải Dương ngày nay); họ Lý ở Cổ Pháp (Bắc Ninh ngày nay); họ Đỗ ở Bảo Đà (Quốc Oai, Hà Nội)… Sang thời Đinh – Tiền Lê chứng kiến sự phát triển của dòng họ Đinh với sự lên ngôi của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn (Lê Đại Hành). Các tướng lĩnh, quân thần gắn liền với sự ra đời của các triều đại cũng được các dòng họ tôn vinh; chẳng hạn ở Thái Bình có dòng họ Bùi, ông tổ của dòng họ này là Bùi Quang Dũng. Tuy vậy việc thờ cúng dòng họ chưa được điển chế hoá và phổ biến.

 

Di tích thành Cổ Loa

Di tích thành Cổ Loa

Tìm hiểu việc thờ tiền nhân của họ tộc từ thời Ngô đến thời Trần (thế kỷ X – XIV) – Qua một số di tích tại Hải Phòng 

Người trình bày: TS. Nguyễn Đình Chỉnh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP Hải Phòng

 

Thực tiễn cho thấy muốn tìm hiểu nghiên cứu về dòng họ trong 5 triều đại từ Ngô đến Trần (trên 400 năm), duy nhất chỉ bằng phương pháp thông qua những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử tại các địa phương. Các nhân vật lịch sử này thường là các vị Phúc thần, Thành hoàng. Vì là thần, thánh, nên thân thế sự nghiệp được nhà nước, nhân dân ghi chép, truyền tụng lưu giữ đến ngày nay. Tại Hải Phòng trong 5 thời kỳ lịch sử kể trên, chúng tôi nêu ra một số nhân vật lịch sử được phụng thờ làm Phúc thần, Thành hoàng. Từ đó khẳng định tính phổ biến về tín ngưỡng thờ phụng của cộng đồng người Việt trong những thời kỳ lịch sử này là thờ Thành hoàng, Phúc Thần. Trên cơ sở đó chúng ta có những kết luận về việc thờ tiền nhân trong dòng họ của 5 giai đoạn lịch sử, từ triều Ngô đến triều Trần là chưa được hình thành. Đây cũng là dấu mốc để nghiên cứu việc phụng thờ tiền nhân của dòng họ trong những giai đoạn lịch sử tiếp sau.

 

Vai trò, vị trí của dòng họ và ảnh hưởng của lịch sử, xã hội đối với dòng họ

 

Vai trò vị trí:

 

  • Có họ tộc mới có làng xã, có làng xã mới có đất nước, họ cả làng, làng mang tên họ như Nguyễn xá, Lê xá, Đoàn xá …
  • Có vai trò quyết định xây dựng nên văn hoá làng xã, đa dạng hoá văn hoá xã hội
  • Động lực cố kết cộng đồng, tạo nguồn sức mạnh cho các thành viên phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương, đất nước.

Ảnh hưởng của lịch sử, xã hội

 

  • Chiến tranh xâm lược
  • Thanh trừng giữa các thế lực dòng họ
  • Chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến
  • Thiên nhiên bão lụt, dịch bệnh.
  • Người dân mù chữ không có ghi chép được lịch sử dòng họ

=> Dòng họ bị chia ly, phân tán, thay đổi họ, các tư liệu, gia phả của dòng  họ bị huỷ hoại. Đến nay, hầu hết các dòng họ chỉ nối liền mạch các thế hệ thời hậu Lê TK 17 –  18 về đây

 

Từ triều Ngô – Trần thế kỷ X – XIV việc thờ tự các bậc tiền nhân của họ tộc

 

  • Các dòng họ được biết đến qua các nhân vật lịch sử nổi tiếng, các vị này thường là Phúc thần, Thành hoàng làng được cộng đồng làng xã phụng thờ.
  • Các vị Phúc thần, Thành hoàng được vua sắc phong, chép, sao thần tích, lệnh cho người dân xây đền, miếu phụng thờ (sau này có thêm đình), một số được nhà nước ban cho tiền công để xây dựng đền, miếu.
  • Nhà nước ghi chép vào sách Bách thần và quy định điển lễ thờ phụng, tế lễ, cầu đảo xin phù hộ để cầu vũ, cầu an, cầu đánh tan giặc…

Đình An Hồng Phúc, An Hồng, An Dương, Hải Phòng thờ 3 vị Thành hoàng họ Lý có công giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thế kỷ X

Đình An Hồng Phúc, An Hồng, An Dương, Hải Phòng thờ 3 vị Thành hoàng họ Lý có công giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thế kỷ X

Nghi môn đình Gia Viên

Nghi môn đình Gia Viên

Kết luận

 

Trong 5 triều đại trên việc thờ phụng tiền nhân của các dòng họ chưa có, nếu có cũng rất mờ nhạt và hy hữu, chưa thành tập tục tín ngưỡng trong cộng đồng dòng họ.

 

Giai đoạn lịch sử của 5 thời đại trên, những dòng họ được biết đến, được nghiên cứu tìm hiểu thông qua những nhân vật lịch sử nổi tiếng tại các địa phương. Sau khi mất các vị này đã hoá hiển thánh thành thần trong tâm thức người dân, được người dân thờ làm Phúc thần, Thành hoàng. Các vị thần được nhà nước tôn vinh, bảo hộ, được vua chúa ban sắc phong để người dân lập đền miếu phụng thờ cùng với sự trường tồn của đất nước.

 

Những nhân vật lịch sử nổi tiếng hoá thần, hóa thánh chính là những yếu tố, điều kiện cần và đủ để chúng ta tìm hiểu cội nguồn, nối kết các thế hệ của hầu hết những dòng họ tại thành phố Hải Phòng cũng như của cả nước Việt Nam.

 

Các di tích phụng thờ Phúc thần, Thành hoàng tại các địa phương hiện nay cơ bản được phụng dựng, trùng tru, tôn tạo, phát huy tốt giá trị. Tuy nhiên di sản văn hóa vật chất tại các di tích của 5 thời đại nêu trên hiện nay hầu như không còn. Một số di tích là công trình kiến trúc cổ truyền thống có đời sớm nhất khoảng trên 300 năm. Tuy nhiên cũng có một số rất hãn hữu địa phương bảo tồn phần mộ của nhân vật lịch sử ở thời đại trên nhưng chủ yếu ở thời Trần.

 

Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế ngày càng phát triển, nhiều nhà thờ họ được trùng tu tôn tạo và xây dựng mới. Các gia đình có điều kiện trong dòng họ đã cùng xây dựng nhà thờ họ khang trang hơn. Có nhà thờ họ có những thay đổi về hình thức bên ngoài nhưng bản chất cốt lõi của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bên trong nhà thờ họ của vẫn còn nguyên giá trị. Việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị nhà thờ họ cả về hình thức và ý nghĩa theo văn hoá Việt Nam trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm.

 

Đạo giáo ở Việt Nam thế kỷ X-XIV: Đạo quán, Đạo sĩ, đặc điểm thờ cúng và thực hành nghi lễ.

Người trình bày: ThS. NCS. Hoàng Thị Thu Hường – Phòng Nghiên cứu Tôn giáo truyền thống – Viện Nghiên cứu Tôn giáo

 

Cơ sở thờ tự

 

  • Được kế thừa từ các thời trước đó: Thông Thánh quán (Bạch Hạc quán), động Thiên Tôn, Bách Bảo Thiên Tuế, điện Phong Lưu, điện Từ Hoa, điện Cực Lạc, điện Bồng Lai, …
  • Thời Lý xây cung Thái Thanh, quán Nam Đế, quán Lôi Công, quán Khai Nguyên, Thái Dương, Bắc Đế, đài Chúng Tiên, điện Thái Thanh, Cảnh Linh, điện Diên Sinh, Ngũ Nhạc, đền thờ Văn Tuyên Vương, Hậu Thổ, …
  • Thời Trần có nhắc cung Thái Thanh, động Huyền Thanh
  • Tổng cộng 13 cơ sở, cùng với hệ thống 21 cơ sở thờ tự Đạo giáo từ thời Bắc thuộc, một vài cơ sở thời Đinh – Tiền Lê (giả định rằng tất cả các cơ sở thờ tự của các triều đại trước đều được chuyển giao lại) cùng với sự kiện vua nhà Lý xuống chiếu cho xây dựng 150 chùa, quán ở các hương ấp vào năm 1031 thì con số cơ sở thờ tự Đạo giáo được nhắc đến ở đây dao động vào khoảng trên dưới 100 đơn vị.

Đối tượng thờ cúng 

 

Thời Đinh – Tiền Lê, có nhắc đến động Thiên Tôn ở Hoa Lư Huyền Thiên Thượng Đế và bộ tượng Tam Thanh.

 

Thời Lý – Trần thờ:

 

  • Tam Thanh (Ngọc Thanh Nguyên Thuỷ Thiên Tôn; Thượng ThanhLinh Bảo Thiên Tôn; Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn – cũng chính là Thái Thượng Lão Quân, giáng thân Lão Tử);
  • Lôi Công (vị thần cai quản mây, mưa, sấm, chớp): năm 1032 có ghi: “Mùa xuân, tháng 2, chùa Thích Ca ở trước quán Lôi Công có cây ưu đàm nở hoa”. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 308.
  • Tứ ngự gồm: Hạo Thiên Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế: Là người đứng đầu Tứ Ngự, cai quản thiên đình và tất cả các vị thần tiên trên trời; Trung Thiên Tử Vi Bắc Cực Đại Đế: Là người điều khiển mặt trời, các vì sao và thời tiết; Câu Trần Thượng Cung Thiên Hoàng Đại Đế: Là người quản lý mọi vấn đề trên thiên đường, trái đất và thế giới loài người; Thừa Thiên Hiệu Pháp Hậu Thổ Hoàng Địa Kì (Thổ công): Là người cai quản việc sinh sản và hoạt động của núi sông.

Đạo sĩ và những người thực hành 

 

Đạo sĩ Trần Tuệ Long và Trịnh Trí Không (thời Lý), Hoàn Nguyên, Nguyễn Khánh (Trần), ngoài ra còn có hai vị từ Trung Quốc sang là sĩ Diêm Nguyên Phục và Hứa Tông Đạo.

 

Nhà vua: Hầu như vị vua nào cũng có các hoạt động liên quan đến Đạo giáo

 

  • Nhà Lý: Lý Thái Tổ với việc vận dụng các tri thức Đạo giáo vào hai sự kiện lớn của triều đại: chuyển giao ngôi báu và dời đô; Lý Thái Tông cho xây dựng cung Thái Thanh; Lý Nhân Tông với sự kiện dựng đàn tế tự cầu con; Lý Cao Tông với sự kiện Đạo giáo được kê vào khoa thi tiến sĩ, năm 1179 bắt đầu có ghi chép về việc thi Tam giáo, người đỗ đạt đều được bổ nhiệm.
  • Nhà Trần: Trần Thái Tông vẫn tiếp tục khoa thi Tam giáo, tin sùng thuật phong thủy Đạo giáo, từng lệnh các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, cũng lập đàn cầu tự; Thời Trần Anh Tông hoạt động phù thủy và đàn chay rất thịnh hành; Trần Dụ Tông từng vời đạo sĩ vào kinh hỏi về phép tu luyện của Đạo giáo; Trần Thuận Tông từng xuất gia tu đạo sĩ ….

Hoàng tộc: Trần Thủ Độ, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, thứ phi Triều Môn, …

 

Các hình thức đạo giáo:

 

  • Sấm vĩ;
  • Thuật phong thủy;
  • Thiên thư;
  • Chiêm bốc, bói toán;
  • Phù chú, yểm bùa;
  • Lễ Dục Đạo, Tiếu Nghi cầu phúc tránh tai họa, cầu mưa, cầu tự…

Nhận xét

 

Khi cần thiết, các nhà cầm quyền cũng sử dụng Đạo giáo như một liều thuốc “tâm linh” an ủi bản thân, “vỗ về” muôn dân và giúp cố kết cộng đồng;

 

Đây là giai đoạn được đánh giá là thời kỳ “nở rộ” của các loại hình tôn giáo, cùng với Phật giáo và Nho giáo, Đạo giáo đã góp phần xây dựng và củng cố cụ diện “tam giáo đồng nguyên” truyền thống ở nước ta.

 

Phiên thứ hai: Triều đại Lý – Trần: Diễn trình lịch sử Văn hóa – Kiến trúc – Phong thủy – Mỹ thuật

Báo cáo chuyên đề: Triều đại Lý – Trần: Diễn trình lịch sử Văn hóa – Kiến trúc – Phong thủy – Mỹ thuật

Người trình bày: ThS. Lê Hương Nga (Dự án “Dòng chảy thời gian”)

 

SƠ LƯỢC HAI TRIỀU ĐẠI:

 

  • Nhà Lý: giai đoạn đất nước phát triển mạnh mẽ, mở đầu thời kỳ thế nước vươn cao, đặt nền tảng văn hóa, chính trị vững chắc
  • Nhà Trần: có rất nhiều thành công về văn hóa, tôn giáo cũng như quân sự; có thể tạo được sự đồng tâm, nhất chí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân… làm nên hào khí Đông A lẫy lừng

HỆ TƯ TƯỞNG TÔN GIÁO

 

Nhà Lý và Trần đều đề cao Phật giáo nhưng vẫn dung hợp cả Nho và Đạo giáo (tam giáo đồng nguyên):

 

  • Cho dựng chùa, lập các đạo cung, đạo quán, xây đền miếu;
  • Vừa đặt giai phẩm cho tăng đạo, sắc phong cho các vị Nho thần;
  • Cho dựng văn miếu và Quốc Tử Giám mở khoa thi Nho học nhưng đồng thời mở cả khoa thi Tam giáo

Hệ tư tưởng tôn giáo

Hệ tư tưởng tôn giáo

TÍN NGƯỠNG

 

  • Nho giáo và Đạo giáo kết hợp với yếu tố Mật tông của Phật giáo cùng các tín ngưỡng bản địa để phát huy tác dụng trong đời sống tâm linh của người dân.
  • Trường phái tu tiên lại có điều kiện phát triển hơn, các đạo trưởng tu tiên đi du hành khắp nơi, triển khai quyền năng, chữa bệnh cứu người…
  • Lực lượng đạo sĩ thời này cũng xuất hiện một số nhân vật tiêu biểu, như: Hoàn Nguyên, Huyền Vân, Hứa Tông Đạo, Nguyễn Bổ.

Xuất phát từ nền tảng văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo đó mà nghệ thuật trang trí, kiến trúc trên các công trình tiêu biểu như hoàng cung, chùa, tháp, lăng mộ, đền thờ… của hai triều đại Lý Trần đã đạt đến đỉnh cao.

 

Nhận diện quy hoạch thành Thăng Long thời Lý qua hình thế luận

Người trình bày: TS. Đinh Thế Anh – Khoa Kiến trúc Đô thị và Khoa học Bền vững, Trường Đại học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Nói sơ qua về lịch sử văn hoá triều đại Lý- Trần, hai thời đại phát triển hưng thịnh nhất trên mọi lĩnh vực bao gồm quân sự, kinh tế, nghệ thuật kiến trúc… Hai thời đại này đều đề cao Phật giáo nhưng dung hợp cả Nho và Đạo từ đó hình thành Tam giáo đồng nguyên chính vì thế các công trình kiến trúc thời Lý và Trần đạt được đỉnh cao.

 

Cung điện thành Đại Đô nhà Nguyên

Cung điện thành Đại Đô nhà Nguyên

Trong chuyên đề này Tiến sĩ Đinh Thế Anh trình bày vấn đề xây dựng, quy hoạch Kinh đô Thăng Long nhờ vào hai yếu tố “Hình” và “Thế” trong phong thuỷ. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương cũng trình bày rõ vấn đề phong thuỷ ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc, hình dáng của những công trình kiến trúc thờ cúng của Phật giáo.

 

Ngoài ra, trong chuyên đề này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh cũng nêu rõ việc ứng dụng “Hình” và “Thế” trong việc xây dựng, chọn vị trí cho lăng tẩm giúp các vị vua có nơi an nghỉ nằm trong địa thế đẹp.

 

Chùa tháp Phật giáo Ninh Bình thời Trần tiếp cận từ phong thủy

Người trình bày: PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

 

Bài thuyết trình tập trung vào các chùa tháp Phật giáo ở Ninh Bình thời Trần và mối liên hệ của chúng với phong thủy. Nội dung chính gồm các điểm sau:

 

Đặc điểm địa hình và khí hậu của Ninh Bình:

 

Nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình có sự kết hợp giữa đồng bằng và đồi núi, với hệ thống sông ngòi dày đặc. Khí hậu ở đây có nhiệt độ và độ ẩm cao, cùng lượng mưa lớn đã tạo nên đặc điểm địa hình độc đáo của vùng.

 

Phong thủy trong các chùa tháp Phật giáo:

 

Các chùa tháp ở Ninh Bình thời Trần được thiết kế theo nguyên tắc phong thủy cụ thể. Những ngôi chùa này thường có bố cục đặc biệt (ví dụ: hình chữ tam (三), chữ công (工), chữ đinh (丁)) và bài trí tượng Phật đa dạng. Tháp Phật giáo có nhiều loại, phục vụ mục đích thờ Phật hoặc là nơi đặt hài cốt của các nhà sư.

 

Ý nghĩa của vị trí xây dựng:

 

Các chùa tháp như ở Hành cung Vũ Lâm và núi Non Nước thường được xây dựng tại những vị trí đắc địa, thường tựa lưng vào núi và hướng mặt ra sông suối. Điều này giúp tăng cường sự linh thiêng và tạo sự hài hòa với thiên nhiên. Bài thuyết trình kết luận rằng phong thủy là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc tôn giáo, giúp tạo nên khí thiêng tụ hội và đảm bảo sự tồn tại lâu dài của chùa tháp.

 

Chùa Linh Cốc

Chùa Linh Cốc

Lăng tẩm thời Trần – tiếp cận từ Khảo cổ học kiến trúc

Người trình bày: TS. Nguyễn Văn Anh – Bộ môn Khảo cổ học – Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn

 

Bài thuyết trình của TS. Nguyễn Văn Anh về lăng tẩm thời Trần tập trung vào các khu lăng mộ hoàng gia của triều Trần, đặc biệt là những khu lăng mộ ở Long Hưng (Thái Bình) và Đông Triều (Quảng Ninh). Nội dung chính bao gồm:

 

  • Vị trí và tên gọi: Các lăng tẩm vua Trần thường được đặt theo nguyên tắc chọn mỹ tự, với tên 1 chữ, sau đó biến thành tên 2 chữ để gọi khu vực nơi xây dựng lăng.
  • Đặc điểm địa lý và bố cục: Các lăng tẩm thường tọa lạc trên núi, với cảnh quan tựa lưng vào Yên Tử và nhìn ra sông Cầm. Tại Đông Triều, các lăng tẩm có bố cục theo hai dạng chính:Mô phỏng Mandala: Thể hiện quan niệm vũ trụ quan của Phật giáo, lăng là đồi núi độc lập cao nhất, với thần đạo chạy từ chân lên đỉnh. Khu tẩm điện trung tâm được xây trên đỉnh lăng, tạo cấu trúc vuông tròn đối xứng.
  • Mô phỏng cấu trúc đô thành: Lăng nằm trên một gò đồi với độ chênh không lớn, khuôn viên giới hạn bởi tường bao. Thần đạo bắt đầu từ phía Nam và kết thúc ở sân Ngự.Vật liệu và kỹ thuật xây dựng: Các lăng tẩm sử dụng các loại vật liệu như đá xanh, đá cuội, đá gan gà, cùng các loại ngói mũi sen. Kiến trúc thể hiện nghệ thuật điêu khắc trang trí tinh xảo.

Đá xanh tướng trầm tích

Đá xanh tướng trầm tích

Đá cuội

Đá cuội

 

 

Phiên thứ ba: Tập tục thờ cúng, an táng của người Việt (Từ Tiền Sơ sử đến Thế kỷ XIV)

Tập tục thờ cúng, an táng của người Việt (Từ Tiền Sơ sử đến Thế kỷ XIV)

Người trình bày: ThS. NCS. Trương Thuý Trinh (Dự án “Dòng chảy thời gian”)

 

Bài thuyết trình của NCS. ThS. Trương Thúy Trinh về “Tập Tục Thờ Cúng An Táng Của Người Việt (Từ Tiền Sơ Sử – Thế Kỷ XIV)” tập trung vào các khía cạnh sau:

 

Mục đích: Tìm hiểu các thành tố hình thành hệ thống nghi lễ tập tục thờ cúng an táng của người Việt từ thời khởi nguyên đến thế kỷ XIV và quá trình phát triển của tập tục này trong lịch sử.

 

Diễn trình lịch sử:

 

  • Thời tiền – sơ sử: Người Việt cổ đã hình thành những tập tục thờ cúng, an táng thể hiện văn hóa bản địa như chôn cất tại nơi cư trú, mộ đất, mộ thuyền, và táng tro cốt.
  • Thời kỳ Bắc thuộc: Người Việt tiếp thu văn hóa Hán, nhưng vẫn bảo tồn các tập tục cổ như thờ cúng tổ tiên, an táng mộ đất và mộ thuyền.
  • Thời kỳ đầu độc lập (Ngô – Đinh – Tiền Lê): Ảnh hưởng văn hóa Hán còn sâu sắc, nhưng vẫn duy trì bản sắc riêng.
  • Thời Lý – Trần: Bắt đầu xây dựng lăng tẩm và ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo trong tập tục thờ cúng.

Truyền thống thờ cúng trong bối cảnh hiện nay: Nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống thờ cúng tổ tiên như một phần căn cước của người Việt trong thời kỳ hội nhập và hiện đại hóa.

 

Mộ Hán

Mộ Hán

Văn Minh Lạc Việt

Văn Minh Lạc Việt

Kết luận: Tập tục thờ cúng và an táng của người Việt mang tính truyền thống tốt đẹp, cần được bảo tồn và phát huy trong bối cảnh hiện đại.

 

Một số vấn đề về dòng họ, thờ cúng dòng họ ở nước ta trước thế kỷ X – XIV

Người trình bày: GS. TS. Đinh Khắc Thuân – Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Hán Nôm (Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nội dung trong tài liệu của GS. Đinh Khắc Thuân nói về dòng họ và thờ cúng dòng họ ở Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến thời Trần, thông qua tư liệu Hán Nôm như văn bia và gia phả. Mặc dù tài liệu về thời kỳ này khá ít ỏi, các văn bia và gia phả còn lại đã ghi nhận thông tin quan trọng về các dòng họ lớn, các nghi lễ thờ cúng tiên tổ, và quy trình biên soạn gia phả.

 

Một số dòng họ nổi bật được đề cập bao gồm dòng họ Đào, Lê, Hà, Lưu, Đỗ, và nhiều dòng họ khác, với các văn bia và gia phả ghi chép lại chi tiết về họ và những đóng góp của họ từ thời Bắc thuộc đến thời Trần. Ví dụ, văn bia mộ của Thái phó Lưu công ở Thái Bình hay dòng họ Đỗ ở Hưng Yên đã được khắc ghi và thờ cúng qua nhiều thế hệ.

 

Ngoài ra, tài liệu cũng nhấn mạnh đến sự ảnh hưởng của Phật giáo trong việc xây dựng chùa chiền không chỉ để thờ Phật mà còn làm nơi thờ tự tổ tiên. Điều này thể hiện qua trường hợp Đỗ Anh Vũ dựng chùa để thờ Phật và cha mẹ.

 

Cuối cùng, tài liệu khái quát về sự phát triển của phong tục thờ cúng dòng họ từ thời Trần trở về trước, đồng thời cho thấy sự phổ biến của các nghi lễ này trong giai đoạn sau, đặc biệt từ thời Lê trở đi.

 

Phiên thảo luận chung

Buổi hội thảo chuyên đề do Phong Thủy Đại Nam tổ chức với chủ đề “Một số vấn đề về dòng họ thờ cúng từ thế kỷ 10-14” đã mang đến nhiều góc nhìn sâu sắc và quý báu. 

 

Thạc sĩ, Phong thủy sư Nguyễn Trọng Mạnh đặt câu hỏi về việc chọn chuyên đề

Mở đầu, Thầy Nguyễn Trọng Mạnh đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao chúng tôi lại chọn chuyên đề này?”. Câu trả lời được đưa ra dựa trên thực tế từ những lần đi tư vấn phong thủy, khi Thầy phát hiện nhiều gia đình lập bàn thờ sai quy cách. 

 

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến phong tục mà còn phản ánh sự thiếu chính xác trong việc gìn giữ và tôn trọng truyền thống thờ cúng gia tiên. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều mang những nét đặc sắc riêng, và việc một số gia đình thờ cúng theo cách của các quốc gia khác đã dẫn đến nhiều sự sai lệch trong việc giữ gìn văn hóa tâm linh của người Việt.

 

Trong quá trình thảo luận, Thầy nhấn mạnh rằng không cần thiết phải tổ chức lễ lạc quá xa hoa, chỉ cần gia chủ ăn mặc chỉn chu, thành tâm và thực hiện nghi lễ đầy đủ là đã thể hiện được tinh thần hiếu đạo. 

 

Xét trên góc độ khoa học, những người trong dòng họ có bộ mã ADN tương đồng, bộ gen liên kết, nên giữa người đã khuất và người đang sống vẫn tồn tại mối quan hệ gắn bó. Do đó, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc thờ cúng gia tiên trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

 

Thạc sĩ Tạ Thị Hoàng Vân chia sẻ về văn hóa thờ cúng

Trong phiên thảo luận, Thạc sĩ Tạ Thị Hoàng Vân đã chia sẻ quan điểm về việc thờ cúng và bài trí bàn thờ. Theo bà, việc này không chỉ cần tuân thủ nguyên tắc phong thủy mà còn phải dựa vào văn hóa, đặc trưng dòng họ, và nét riêng của mỗi vùng miền. Bà nhấn mạnh rằng mỗi gia đình, dòng tộc đều có phong tục khác nhau, do đó cần dung hòa giữa phong thủy và truyền thống văn hóa.

 

Giảng viên Quách Tấn Hưng nói về phong thủy và không gian thờ cúng

Giảng viên đại học Kiến trúc Hà Nội, anh Quách Tấn Hưng, bày tỏ sự ấn tượng với nội dung hội thảo. Anh cho biết buổi thảo luận đã mang lại cho anh nhiều kiến thức mới mẻ, nhưng anh cũng đặt ra một số trăn trở về sự phù hợp giữa phong thủy và tập quán người Việt. Theo anh, không nên đơn thuần áp dụng phong thủy có nguồn gốc từ các giáo phái phương Bắc, mà cần dựa vào không gian thờ cúng tổ tiên của người Việt. 

 

Anh nhấn mạnh rằng không gian thờ cúng tổ tiên là phần trung tâm của ngôi nhà, chi phối các không gian khác, vì vậy, việc dung hòa phong thủy với văn hóa truyền thống là cần thiết. Anh cũng chỉ ra rằng nhiều gia đình có truyền thống không phù hợp với phong thủy, chẳng hạn như đặt giường ngủ hướng vào bàn thờ, điều này cần được xem xét cẩn trọng.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã đánh giá cao ý kiến của anh Hưng, cho rằng sự linh hoạt qua thời gian và sự hội nhập với thế giới là cần thiết, nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc riêng của dân tộc.

 

Tiến sĩ Lê Hồng Châu nói về doanh nhân và văn hóa

Tiến sĩ Lê Hồng Châu đã phát biểu rằng, công tác tổ chức hội thảo lần đầu tiên này đã rất thành công, mang lại nhiều tư liệu lịch sử, biện luận và biện chứng hữu ích cho người tham dự. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho quốc gia trong bối cảnh khoa học công nghệ 4.0. 

 

Tiến sĩ Lê Hồng Châu cho biết, ông đã và đang triển khai các chương trình đào tạo doanh nhân trên khắp 63 tỉnh thành, kết hợp với việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì đã có cơ hội tham gia và học hỏi tại buổi hội thảo này.

 

Tiến sĩ, phong thủy sư Nguyễn Thy Sơn nêu vấn đề quy hoạch

Tiến sĩ Nguyễn Thy Sơn, người có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn phong thủy, cũng chia sẻ những trăn trở của mình. Khi thầy đi tư vấn cho nhiều gia đình, doanh nghiệp, ông phát hiện rằng nhiều khu đô thị hiện nay rơi vào thế đại không vong – một thế phong thủy xấu, khiến cho việc khắc phục rất khó khăn, gây tổn thất lớn nếu phải xây lại hoàn toàn. 

 

Ông đặt câu hỏi liệu có giải pháp nào để định hướng quy hoạch mà không cần phải thay đổi quá nhiều, đảm bảo hài hòa với phong thủy?

 

Bà Tạ Hồng Vân đã đưa ra câu trả lời rằng phong thủy không chỉ dừng lại ở quy mô cá nhân mà hiện nay đã mở rộng đến quy hoạch khu đô thị. Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức lớn, bởi không gian đô thị luôn có sự tương tác phức tạp giữa con người và môi trường.

 

Tổng kết buổi hội thảo

Tôn chỉ hoạt động của Phong Thủy Đại Nam luôn tuân thủ theo chính sách và pháp luật của Việt Nam. Tập đoàn khao khát tái hiện lại toàn bộ kiến trúc, văn hóa, phong thủy và nghệ thuật của từng thời kỳ, mong muốn giúp mọi người hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Hệ sinh thái Phong Thủy Đại Nam kỳ vọng rằng buổi hội thảo này sẽ là bước đầu để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp và quý báu.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã có bài diễn thuyết tổng kết, nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng chảy lịch sử, tín ngưỡng, văn hóa và nghệ thuật trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Ông cũng bày tỏ sự biết ơn đối với các chuyên gia đã tham gia, góp phần làm cho buổi hội thảo thành công tốt đẹp.

 

Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Nam, đại diện tập đoàn Phong Thủy Đại Nam, công bố số tiền từ thiện ủng hộ đồng bào vùng bão lũ đã lên tới 562 triệu 395 ngàn đồng tính đến 11h30 ngày 16/09. 

 

Trong đó, tập đoàn và nhân viên ủng hộ 350 triệu đồng, còn các thầy và những người yêu mến Đại Nam đóng góp 212 triệu 395 ngàn đồng. Ngoài ra, tập đoàn còn trích 10 triệu đồng hỗ trợ cho cán bộ bị ảnh hưởng bởi cơn bão thế kỷ YaGi. Số tiền còn lại sẽ được gửi về Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Ông Phạm Thanh Bình, đại diện cho nhân viên, đã lên nhận phần tiền ủng hộ. 

 

Sau đó, ông Nguyễn Đức Nam tuyên bố bế mạc Hội thảo khoa học: Diễn trình lịch sử văn hóa – kiến trúc – phong thủy – mỹ thuật các triều đại phong kiến Việt Nam (Thế kỷ X – XIV). Buổi thảo luận đã diễn ra suôn sẻ và thành công, Phong Thủy Đại Nam hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ quý khách hàng và các chuyên gia để duy trì và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Nguồn: https://phongthuydainam.vn/hoi-thao-khoa-hoc-dien-trinh-lich-su-van-hoa-kien-truc-phong-thuy-my-thuat-cac-trieu-dai-phong-kien-viet-nam-the-ky-x-xiv/