Nét Đẹp Phong Thuỷ Việt Trong Dòng Chảy Lịch Sử



 Trong hai thế kỷ X-XI với ba triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, phong thuỷ Việt Nam đã hình thành những tiền đề cơ bản, trong đó nổi lên một số nhân vật phong thuỷ có sức ảnh hưởng và một số công trình kiến trúc có dấu ấn phong thuỷ. Được phát triển từ Dự án “Dòng chảy thời gian” do Tập đoàn Xherozone, Công ty cổ phần Viện Phong thuỷ Khoa học Toàn cầu khởi xướng. Trong bài viết này, Phong Thuỷ Đại Nam sẽ cùng bạn đi tìm hiểu về những dấu ấn của phong thuỷ Việt Nam trong dòng chảy thế kỷ X-XI.

Dòng chảy thế kỷ X-XI

Phong thủy Việt Nam dòng chảy thế kỷ X-XI

Phong thuỷ là một lĩnh vực có quá trình hình thành và phát triển tương đối phức tạp. Cốt lõi của phong thuỷ là chọn một nơi tốt lành, có lợi cho sự tồn tại và phát triển của con người, trong đó “nước” và “gió” là hai yếu tố quan trọng được tính đến.

Ở Việt Nam, ngay từ sớm các ý niệm về phong thuỷ đã hình thành trong tư duy của người Việt. Các vua Hùng lên ngôi lập nước Văn Lang, chọn vùng Phong Châu (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) để đóng đô. Xét về địa thế, Phong Châu là một vùng bán sơn địa, có địa hình thấp dần từ Bắc – Nam, sông Hồng bồi đắp phù sa hàng năm cùng với nguồn tài nguyên đất đa dạng thuận lợi cho các hoạt động canh tác nông nghiệp.

Năm 208 TCN, nhà nước Âu Lạc ra đời, Nhằm xây dựng một trung tâm chính trị, quân sự và kinh tế mới, Thục Phán đã quyết định chuyển từ vùng Trung du bán sơn địa xuống vùng đồng bằng với điểm đến là vùng Cổ Loa. Về mặt địa thế, Cổ Loa là khu đất cao nằm ở vị trí đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng, giao thông thuận lợi với cả đường sông và đường bộ. Bên cạnh đó, sông Hoàng Giang bồi đắp lượng phù sa lớn hàng năm đã tạo điều kiện cho khu vực này phát triển các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, nhất là trồng lúa nước.

Từ việc chọn đất xây dựng kinh đô của hai nhà nước Văn Lang, Âu Lạc kể trên cho thấy, ngay từ sớm ông cha ta đã biết áp dụng cái nhìn phong thuỷ để chọn nơi sinh sống và phát triển; đó là những vùng đất: cao ráo, gần nguồn nước (sông, hồ), cây cối xanh tốt, giao thông thuận tiện, cư dân tập trung… Như vậy, trước khi chịu sự đô hộ của của người Hán, người Việt đã trang bị cho mình những ý niệm cơ bản về phong thuỷ.

Tuy đã hình thành những ý niệm sơ khởi về phong thuỷ trước đó, nhưng trước sự đàn áp của văn hoá Hán, nước ta ít có điều kiện phát triển lý thuyết về phong thuỷ riêng. Mà có lẽ từ nền tảng sẵn có kết hợp với những luận thuyết phong thuỷ được các Đạo sĩ Hán mang sang, phong thuỷ nước ta ở thời Bắc thuộc dần được định hình, một trong những ví dụ điển hình về phong thuỷ thời Bắc thuộc là Cao Biền. 

Tượng Cao Biền được thờ tại đình làng Kim Lan (Hà Nội)

Tượng Cao Biền được thờ tại đình làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội)

Ngoài là một vị tướng tài, Cao Biền còn được biết đến là người có mối quan hệ thân thiết với các Đạo sĩ và say mê các phép thuật Đạo giáo. Tuy chỉ ở đất An Nam khoảng 4 năm (865-868) nhưng những câu chuyện về thuật phù thuỷ, trấn yếm thế đất, long mạch của Cao Biền, đến nay, hậu thế vẫn còn nhắc lại. Truyện sông Tô Lịch trong Lĩnh Nam chích quái là ví dụ tiêu biểu. 

Sang thời kỳ tự chủ, dưới triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, lĩnh vực phong thuỷ tiếp tục có những bước phát triển. Với việc Đạo – Phật cùng song hành trong hệ thống chính trị, các Đạo sĩ, Tăng sĩ là bộ phận trí thức quan trọng trong triều đình. Ngoài hỗ trợ các chính sự, họ còn là những người tinh thông địa lý, giỏi các thuật sấm vĩ, hô mưa gọi gió, cầu đảo… Thời kỳ này có thể kể đến một số nhân vật như: thiền sư La Quán An, thiền sư Ngô Chân Lưu,…

Ảnh vẽ Thiền sư Khuông Việt

Ảnh vẽ Thiền sư Khuông Việt

Thiền sư La Quán An (852- 936) được cho là một trong ba người giỏi nhất nước ta về thuật phong thuỷ ở các thế kỷ X – XI (hai người kia là thiền sư Định Không và Vạn Hạnh). Thiền sư Ngô Chân Lưu (933-1011) tức Khuông Việt là một người am hiểu phong thuỷ và giỏi các thuật phù chú, cầu đảo. Trong cuốn Lịch sử Phật giáo Yên Mô – Ninh Bình dẫn lại việc thiền sư Khuông Việt chọn đất, giúp dân khai hoang, lập làng Ngọc Lâm, nhờ đó “Ngày tháng qua đi, dân cư khắp nơi nô nức tìm đến hội tụ thành ấp Ngọc Lâm”. Sau khi thiền sư mất, dân làng Ngọc Lâm tôn làm thần làng.

Bản vẽ về cố đô Hoa Lư

Bản vẽ về cố đô Hoa Lư

Ở khía cạnh kiến trúc phong thuỷ, kinh đô Hoa Lư là ví dụ tiêu biểu. Xét về địa thế, nếu nhìn trên bản đồ này ta thấy, phía Bắc vùng Hoa Lư là đèo Tam Điệp được ví như con rồng chầu về Hoa Lư, phía Nam là đồng bằng Hà Trung, hai bên tả hữu có núi non bao quanh, ứng theo thuyết tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ là một địa thế đẹp. Bên cạnh đó, kinh đô Hoa Lư còn được bảo vệ bởi bốn vị thần án ngữ bốn cửa kinh đô, trong đó có 3 vị thần nước Việt và 1 vị thần Đạo giáo: phía Đông là thần Thiên Tôn (Huyền Thiên Trấn Vũ), phía Tây là thần Cao Sơn, phía Nam là thần Quý Minh, phía Bắc là Không Lộ (Nguyễn Minh Không).

Hoa Lư tứ trấn

Hoa Lư tứ trấn

Nhìn chung, cho đến nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, phong thuỷ nước ta đã có những bước tiền đề cơ bản; các kiến thức phong thuỷ địa lý được áp dụng vào việc xem thế đất, chọn đất xây dựng các công trình lớn. Các thầy phong thuỷ nổi bật thời kỳ này lại chính là những vị tu sĩ Phật giáo, Đạo sĩ Đạo giáo, họ không chỉ đóng góp những tri thức cho chính sự quốc gia mà biết vận dụng phong thuỷ vào việc duy trì sự hưng thịnh của đất nước.

Nguồn: https://phongthuydainam.vn/dong-chay-the-ky-x-xi/